Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhPortalLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Tiếu thuyết đầu tiên về Trường Sa: "Biển xanh màu lá" - Nguyễn Xuân Thủy

Go down 
Tác giảThông điệp
ĐAO PHỦ
Chém Là Chết
Chém Là Chết
ĐAO PHỦ


Tổng số bài gửi : 56
Ngày tham gia : 31/05/2011

Tiếu thuyết đầu tiên về Trường Sa: "Biển xanh màu lá" - Nguyễn Xuân Thủy Empty
Bài gửiTiêu đề: Tiếu thuyết đầu tiên về Trường Sa: "Biển xanh màu lá" - Nguyễn Xuân Thủy   Tiếu thuyết đầu tiên về Trường Sa: "Biển xanh màu lá" - Nguyễn Xuân Thủy I_icon_minitimeTue Jan 03, 2012 11:15 pm

Linh đang loay hoay sửa chiếc máy phát K91 bỗng nhiên bị mất cao thế trong sở chỉ huy. Hai hôm nay đánh vật với nó mà vẫn chưa tìm ra bệnh. Tín hiệu phát cứ chập chờn, cánh báo vụ thu sở chỉ huy trung đoàn kêu như phải đỉa. Anh đành phải chỉ đạo chuyển sang sử dụng máy phát hai. Một mình Linh vật ngửa chiếc máy cũ kỹ, tháo tung cả vỏ và các khối máy chọc ngoáy cả buổi. Vốn trước đây trung đội có một kỹ thuật viên thông tin nhưng mới đây đồng chí này đã được về đất liền để đi học chuyển loại chính trị nên chưa có người thay, nếu có thì cũng phải cuối năm. Nhưng máy thì đâu có cần biết có người sửa hay không, chúng thường hỏng rất vô tổ chức và bất ngờ, nhiều phen khiến cả trung đội lao đao. Hôm nay hỏng khối nguồn, mai lại là khối cao thế, đôi khi chỉ là mấy bệnh lặt vặt hoặc do thao tác của báo vụ chưa chuẩn, hoặc do ăng-ten chưa đúng hướng... Hôm nay thì căn bệnh có vẻ bí hiểm, dường như chiếc máy muốn thử tay nghề trung đội trưởng. Linh phải tháo rời từng khối máy đem về phòng kiểm tra, rờ rẫm từng mạch điện sửa theo kiểu loại trừ, chắc chắn khối nào tốt là yên tâm đi tìm chỗ khác. Nhưng đã hai hôm nay mà vẫn chưa có tiến triển gì.

Đang xoay trần với khối máy dưới nhà thì Quang "cháy" gọi trung đội trưởng lên sở chỉ huy có người gặp qua Icom. Thì ra là Hùng. Hùng là cán bộ chính trị ở một trạm ra đa khác ở Bình Thuận. Các trạm có thể liên lạc được với nhau qua hệ thống thông tin. Làm nghề gì ăn nghề ấy, đây là món hời mà cánh thông tin với nhau có thể “tham ô” để giải quyết các công việc cá nhân. Chỉ cần lên máy Icom gọi cho sở chỉ huy bạn rồi nhắn lên sóng là có thể trao đổi điện thoại miễn phí. Chỉ huy không phải không biết nhưng vẫn thường bỏ qua hoặc cho đó là chuyện có thể du di. Những chàng lính thuộc các thành phần khác nhiều khi cần việc cũng phải cầu cạnh cánh thông tin để nhờ vả. Cánh thông tin thành ra có giá, nếu thích có thể làm cao, tuy chưa đến mức phải nịnh nọt nhưng các đối tượng khác nhiều lúc cũng phải giữ gìn không để mất lòng.

Linh cầm ống nói gặp anh vợ. Hùng thông báo chuyện nhà vẫn ổn, mọi thứ bình thường. Hùng bảo đã đưa tiền cho Luyến để trang trải mọi chuyện. Tin quan trọng nhất ấy là Luyến đã đi khám thai. Kết quả siêu âm cho thấy thai nhi là con gái.

Hùng bảo Linh là Luyến nhắn xem định đặt tên con là gì thì viết thư về. Vợ Linh nhắn qua bác Hùng: "Tên con thì em xin giữ lại chữ Hồng như tên đệm của em, còn tên chính là gì thì do anh đặt". Trung đội trưởng Linh phấn khởi lắm. Ai dè có mỗi một đêm quay về vì tàu hoãn chạy mà lại có cô con gái. Không biết trời xui đất khiến thế nào mà thiêng thế?

Tin trung đội trưởng Linh sẽ có con gái nhanh chóng lan ra khắp trạm, trước hết là trong trung đội thông tin. Buổi tối sau khi ăn cơm xong, tất cả quây quần uống trà dưới gốc tra. Vẫn còn dư âm của bữa trưa nên cơm chiều cũng khá ngon. Trà thuốc vẫn còn, vì vậy cái khoản vật chất tương đối xông xênh. Mọi người nói chuyện vui vẻ. Trọng tâm câu chuyện vẫn cứ là chuyện của Linh sắp được làm bố vợ tương lai. Tùng "toác" bỗng phát pháo:

- Bác Linh sướng nhé. Chỉ vì muộn tàu ra đảo mà được làm bố vợ. Sướng nhất bác. Bọn em đây đầy đứa muộn tàu mà có được gì đâu. Đúng là có vợ sướng thật.

- Sướng thế sao bay không lấy vợ đi rồi hãy đi đảo. Để mà biết thế nào là sướng.

Hoàn "đơ" ngồi im từ đầu giờ mới chêm vào:

- Thôi, có lẽ bây giờ mời bác Linh kể lại cho anh em nghe cái vụ... áp thấp nhiệt đới ấy đi.

Tức thì cánh lính trẻ nhao nhao:

- Đúng đấy! Trung đội trưởng kể cho anh em thưởng thức tý.

Trung đội trưởng Linh chậc lưỡi:

- Chậc! Bọn bay chỉ lộn xộn. Có cái chi mà kể.

- Thì cứ kể như thật ấy. Tập huấn cho bọn nó tý, sau này có gì còn rút kinh nghiệm - Phương ra chiều kẻ cả.

- Bọn bay muốn nghe hả? Được thôi. Nhưng hơi bị dài đấy. Thằng Tuân đổ bã chè pha thêm ấm nữa, mấy khi có tàu ra. Chè ngon thuốc thơm, lại có bánh kẹo, thêm chuyện chọn lọc nữa thì còn chi bằng?

Khi trà đã được rót ra các chén, nhấp một ngụm xong Linh mới thong thả:

- Chuyện là thế này. Hôm ấy lẽ ra là chia tay rồi nhưng khỉ gió cái thời tiết nó lại thay đổi đột ngột. Biển động nên tàu không được phép rời cảng. Vậy là hoãn. Nằm dài, ăn, rồi ngáp. Bụng bảo dạ thôi, đã đi rồi nhất quyết không về nữa. Nhưng đến ngày thứ hai thì nóng ruột quá...

- Nóng ruột hay là nóng... máy? Khai thật ra - Tùng "toác" bô bô ngắt lời.

- Ừ thì... nóng cả hai. Mò về. Mẹ đĩ trông thấy tươi hơn hớn như chồng chết ba ngày sống lại ấy, làm mình xúc động quá.

- Có mà xúc động... đậy thì có? - Lại tiếng Tùng "toác".

- Chậc! Trật tự chứ, cứ ngắt lời thì ai mà kể hấp dẫn được. Thế là ở lại, có mỗi một đêm. Chết nỗi bảo ba thôi nhưng mẹ nó lại cứ nhất quyết phải bốn không có con số ba nó đen. Chết là chết ở cái thằng thứ bốn ấy.

Cánh lính trẻ cười ngặt nghẽo. Tùng "toác" lu loa:

- Điêu, điêu vừa vừa chứ. Cứ làm như là vừa uống nước tăng lực tê giác húc không bằng?

Linh đắc chí:

- Đấy, không tin lại cứ bắt tau kể làm chi? Thôi, thế thì thôi vậy, không kể nữa.

- ấy ấy kể tiếp đi, kể tiếp đi. Đang phần trọng tâm lại bỏ là thế nào hả trung đội trưởng?

- Kể tiếp hả? Thế thì rót nước ra. Sao ngồi như phỗng thế ông Hoàn? Ông vẫn bình thường đấy chứ? - Trung đội trưởng Linh nheo mắt nhìn Hoàn "đơ" đầy ẩn ý.

Hoàn "đơ" cười khành khạch, giọng khàn khàn:

- Vô tư đi, hôm nay vận nội công rồi, đau bụng làm sao được? Dưng mà phải thế nào mới bị chứ trung đội trưởng?

- Sao mà dốt thế, đoạn này không thể chi tiết được. Ai hiểu thế nào thì hiểu. Đại để là mọi hôm có bảo hiểm còn hôm ấy thì cho tiếp đất, thế là xong. Hết. Cấm hỏi. Ai còn thắc mắc gì gọi điện đến chương trình cửa sổ tình yêu hoặc lên hỏi chị Hằng.

- Sao lại kết lửng lơ thế? Vậy bài học rút ra là gì hả trung đội trưởng?

Tùng "toác" và Phương gần như đồng thanh:

- Không được tiếp đất.

Quang "cháy" đứng hẳn dậy dứ dứ ngón tay trỏ ra vẻ quan trọng bổ sung:

- Không được tiếp đất trong một số trường hợp.

- Đấy, cứ bảo tập huấn. Giả nai hết. Các bố còn rành hơn cả tôi ấy chứ, cứ vờ vịt lừa người khác. Bây giờ có chuyện nghiêm túc nhờ các ông đây. Mẹ cháu đang bảo đặt tên mà tôi chưa nghĩ ra, lấy ý kiến tập thể xem ai có sáng kiến hay để duyệt. Ý kiến của mẹ cháu là giữ đệm là Hồng, còn tên chính do mình quyết.

Cả bàn nước lặng lẽ một lát. Tùng "toác" đưa ra ý kiến đầu tiên:

- Tên à, quá đơn giản. Bác là Hùng Linh, vợ bác là Hồng Luyến bây giờ con gái đặt là Hồng Lưu là quá đẹp. Lưu Luyến cũng vần mà Lưu Linh... à quên, không được, không được nhỉ!

- Làm sao đơn giản như thế được. Tên phải đảm bảo các tiêu chí vừa phải hay, đẹp, nữ tính lại vừa thể hiện được hoàn cảnh ra đời của nó chứ lỵ? Không thì cần gì đến trí tuệ tập thể - Trung đội trưởng tỏ ra khắt khe.

Vừa lúc đó thì Chính trị viên Vũ đi xuống. Thi thoảng những cuộc vui của anh em vẫn có sự hiện diện của anh. Vai trò của Chính trị viên Vũ như là góp vui, lại có phần như là cầm trịch để mọi thứ không quá đà.

- A, bố đây rồi, nhờ bố là xong hết trung đội trưởng ơi?

Cánh lính trẻ lại nhao lên, Linh cũng hoà theo:

- Ôi bí thư, em đang có chuyện nhờ bí thư đây. Chả là...

- Thôi thôi, tôi biết rồi. Trạm bằng cái lòng bàn tay, các ông nói oang oang có cái gì mà tôi không biết.

- Vâng thế thì em khỏi phải trình bày lại. Nhờ bí thư nghĩ giùm em cái tên cho cháu.

- Gớm bao nhiêu chuyện hay ho các anh còn nghĩ ra được, có mỗi cái tên thì có gì mà phải nhờ tôi. Trung đội cứ tổ chức sinh hoạt lấy biểu quyết là xong hết, phải không anh Hoàn?

Hoàn "đơ" chỉ cười khành khạch không trả lời. Trung đội trưởng Linh đỡ lời:

- ấy, bí thư cứ nói thế, chúng em chỉ tán gẫu cho vui thôi chứ cái khoản chữ nghĩa thì bọn em chịu. Phải nhờ bí thư thôi.

- Nói vui vậy thôi. Riêng chuyện đặt tên thì tôi nghĩ thế này. Chú đang ở Trường Sa mà cái vụ sinh cháu nếu theo duy tâm mà nói thì cũng nhiều yếu tố do ông trời vậy nên ta đặt tên cháu là Thiên Sa, chú thấy thế có được không? Chúng mày thấy tên bố đặt có hay không?

Linh còn chưa có phản ứng gì thì Tùng "toác" đã bô bô:

- Ấy bố ơi, thế là bố chưa nghe thủng rồi, phải Hồng, phải có Hồng cơ. Lúc nãy con định đặt là Hồng Lưu cho vần nhưng mà...

- Báo cáo bí thư, bí thư đặt là Thiên Sa em thấy rất hay nhưng theo ý nhà em, mẹ cháu lại muốn giữ lại tên đệm là Hồng của cô ấy, vả lại nếu là Thiên Sa em lại họ Trương, ghép lại tên đầy đủ sẽ là Trương Thiên Sa thì nghe nhẹ và bay quá. Vậy em trộm nghĩ hay là cứ giữ Thiên Sa nhưng thêm chữ Hồng vào đằng trước, em đặt tên cháu là Trương Hồng Thiên Sa cho có bổng có trầm, có được không ạ?

Cánh lính trẻ hưởng ứng rào rào. Bí thư Vũ hơi trầm ngâm:

- ừ, cũng được. Kể có hơi điệu đà một chút, dưng mà không sao, thời đại bây giờ chuyện tên tuổi cũng phiên phiến thôi mà. Chủ yếu là mình nuôi dạy nó nên người còn tên thì mình đặt thế nào nó nên thế thôi. Ngày xưa toàn Cu với Hến mà cũng nên ông nọ bà kia ối ra đấy chứ!

Tùng "toác" lại choi choi:

- Nói đâu xa, như bố đấy. Tên Vũ thì có gì là đẹp đâu mà làm tận bí thư chi bộ bố nhỉ.

- Hừ, mày chỉ được cái... Tên bố là ngày xưa, lịch sử để lại. Mà chức của bố là hơi bị to đấy nhá, chỉ thua Nông Đức Mạnh chữ "tổng" thôi. Đứa nào léng phéng là bố kỷ luật đấy nhá. Kỷ nuật! Kỷ nuật nhá!

- Mấy cái thằng này ma lanh lắm. Nó đòi em kể hết cả cái vụ áp thấp nhiệt đới đợt đi cùng bí thư đấy. Mà đợt ấy cũng một phần tại bí thư cứ xui em về thăm mẹ cháu chứ em là em đã định nằm lại không về rồi cơ.

- Lại định quy trách nhiệm cho tôi đấy hả? Thế bây giờ được con cún thì có thích không? Phát ngôn cho cẩn thận, đừng có nói tại bí thư mà vợ em đẻ đấy nhá. Nói thế là chết tôi đấy.

Cánh lính trẻ lại được một trận cười. Chính trị viên Vũ lại bảo:

- Mấy ông tướng này là ghê lắm. Cứ ngồi mà nghe nó mơi mơi thì có mà vợ chồng có chuyện gì cũng lôi ra kể hết. Thế lúc tối có đứa nào tia được em văn công nào không?

- Bọn thằng Mạnh, thằng Hoàn nó tia chứ con tia làm gì hả bố. Con có em Hương nhà mình rồi mà.

- Chúng mày cẩn thận, năm nay bố Vũ cho em Hương thi Đại học An ninh đấy. Ghê không? Ông Phương lẻo khoẻo không khéo em mà ra đòn là dính chưởng đấy.

- Cái mồm mấy thằng bay ghê quá. Thôi đi ngủ để mà đi ban. Tối thằng nào mà ngủ mơ, mất sức chiến đấu là tau phạt re kèn - Trung đội trưởng Linh chốt cuộc vui ở đấy.

Tất cả cười ồ lục tục đứng dậy. Đã mười một giờ đêm.

9.

Hôm nay ngày chủ nhật.

Nhàn rỗi nhất cũng là ngày chủ nhật.

Nhớ nhà nhất cũng là ngày chủ nhật.

Hay nghĩ vẩn vơ nhất cũng là ngày chủ nhật.

Ngồi tán dóc bên gốc bàng mãi cũng chán, Tuân "còm" bá vai Quang "cháy":

- Anh Quang có nhớ hôm nọ hứa gì với em không?

Quang "cháy" tỉnh bơ:

- Hứa gì?

- Thế mà cũng đòi... Anh bảo hôm nào rảnh sang bên khí tượng chơi cơ mà? Sao quên nhanh thế?

Quang "cháy" nháy mắt giấu nụ cười làm mặt lạnh tanh thủng thẳng:

- à! Nhớ chứ. Rồi sẽ đi, nhưng hôm nay thì không được. Anh bận rồi.

- Không, đi hôm nay cơ. Chủ nhật thì làm gì mà bận? Anh không muốn đi thì có.

- Sao lại không làm gì? Bây giờ anh phải giặt quần áo này, xong rồi lại phải viết thư này, xong lại vẽ nữa này...

- Thôi thôi, thế thì có mà hết ngày. Đi một tý xong về làm cũng được, còn đầy thời gian từ giờ đến chiều lo gì?

- ấy, không được. Toàn những việc cần làm ngay. Mấy lại sang đấy nhỡ các em giữ lại ăn cơm chả lẽ lại bỏ về - Ngừng một lát ra vẻ cân nhắc nó tiếp - Hay là thế này, chú có giặt quần áo không?

- Có, nhưng em chưa giặt bây giờ.

- Chú giặt đi, tiện thể giũ luôn cho anh. Trong thời gian ấy anh sẽ thám thính xem phía nhà các nàng thế nào để còn liệu, chứ sang mà đúng giờ làm việc là hỏng ăn đấy.

- Thật nhớ...

Tuân "còm" hý hửng ôm quần áo xăng xái đi giặt. Còn lại Quang và Mạnh, cả hai phá lên cười. Tùng "toác" đang nằm bò ra giường viết thư nghển cổ lên bảo:

- Này nhá! Đừng dại nhá. Nó đi giặt về mà không có nó bỏ cơm như hôm nọ thì liệu mà dỗ nhá. Hơ hơ... Ngu mà đi lừa trẻ con nhá.

Quang "cháy" cười nhe răng:

- Yên tâm. Có chứ, đây thiết kế đâu ra đấy rồi nhé.

Nói rồi nó kéo thằng Mạnh ra một góc thì thào, hai đứa có vẻ tâm đắc lắm. Thằng Mạnh vừa cười vừa chạy lại mở hộc giường lôi ra một bọc nhỏ buộc dây nơ cẩn thận. Nó mở ra, hoá ra là một chiếc coóc-xê trắng tinh còn nguyên cả viền đăng ten.

- Tuyệt vời chưa?

Quang "cháy" cũng cười, hai đứa cười chán Quang "cháy" lại chạy xuống kho, lúc sau mang lên một chiếc quần lót phụ nữ màu hồng nhàu nhĩ, nó cầm que khều giơ lên bảo:

- Thế này mới đồng bộ chứ?

Chiếc coóc-xê là của một nàng văn công bỏ quên trong chuyến lưu diễn tại đảo năm ngoái được thằng Mạnh nghịch ngợm cất vào hòm đựng đồ, thi thoảng trung đội vẫn lấy nó dùng để lọc rượu rất hiệu quả, còn cái quần lót thảm hại vốn xuất xứ từ trong lô giẻ là quần áo cũ trong bờ gửi ra để lau khí tài, không biết thế nào lại lẫn cả hàng độc vào. Vì là chất liệu mềm nên được chọn để lau ắc quy, có lẽ đã dùng nhiều lần nên vừa nhàu nát vừa bị a xít ăn thủng lỗ chỗ.

Quang "cháy" và Mạnh mang bộ đồ về phía nhà trạm khí tượng, mất hút sau những bụi cây bão táp.

Tuân "còm" đi giặt về chẳng thấy ai, vào phòng hỏi Tùng "toác" thì Tùng "toác" bảo:

- Chúng nó trốn rồi. Nó lừa mày đấy em ạ. Bên ấy cũng toàn đực rựa như mình cả, làm gì có con gái nào ở cái xứ này. Ra đây để chúng nó đứt cước à?

Tuân "còm" còn đang bán tín bán nghi thì Quang "cháy" và Mạnh về. Mạnh cao giọng:

- Ai bảo không có? Con gái một trăm phần trăm nhé.

Quang "cháy" nháy mắt dài giọng bảo Tùng:

- Ông chỉ được cái ích kỷ. Em nó mới ra cho nó sang chơi một tý cho đỡ buồn, ông cứ muốn giữ để ăn mảnh.

Tùng "toác" bực quá cao giọng bảo:

- ừ! Thế thì ông dẫn nó sang đi. Hơ hơ... Dẫn sang thăm các em đi...

- Các em hôm nay bận làm việc không sang được.

- Thấy chưa, hơ hơ... Thằng Tuân, mày bắt nó giặt giả quần áo đi. Hơ hơ...

Tuân "còm" phụng phịu bảo Quang:

- Anh lừa em nhớ.

- Ai bảo lừa - Vừa nói nó vừa kéo tay Tuân "còm" - Đi, ra đây, ra đây anh mày bảo. Ra đây xem có đúng không?

Quang "cháy" lôi Tuân "còm" lên chòi quan sát mắt bảo nó nhìn vào ống kính TZK lia về phía nhà khí tượng chỗ có mấy cái cột xác định hướng và tốc độ gió cao lô nhô. Một bộ đồ lót phụ nữ phơi ngay ngắn trên dây, lại còn được cặp cho gió khỏi bay cẩn thận, mắt thường nhìn cũng thấy rõ chả cần đến TZK. Mấy dải dây coóc-xê buông lòng thòng bay phất phơ trong gió. Tuân "còm" khoái chí cười lộ chiếc răng khểnh.

- Chú đã tin chưa? - Quang "cháy" hỏi.

- Tin rồi, nhưng bao giờ mới sang chơi được?

- Đã nói rồi! Các nàng rất bận, suốt ngày trực, thời tiết cả nước phụ thuộc vào đấy chứ chú mày tưởng... Phải lựa thời cơ thuận lợi. Lúc nào được anh sẽ bảo.

Từ hôm ấy thỉnh thoảng Tuân "còm" lại nhìn về phía nhà khí tượng mặc dù chẳng còn thấy bộ đồ lót nào được đem phơi nữa.

Khi cả ba trở về phòng thì Tùng "toác" vẫn đang nằm xoài trên giường hý hoáy viết thư. Người yêu của nó là nhân viên bán xăng dầu ở Hà Nội. Nếu còn ở đất liền (tức là ở Cam Ranh) thì một năm cũng chỉ gặp nhau được một lần. Đơn vị ở mãi tít trong bán đảo cách Hà Nội một ngàn ba trăm năm mươi cây số, liên lạc chính cũng vẫn là qua thư. Ra đây thì coi như cộng thêm một bán đảo nữa, Tùng "toác" vẫn bảo thế, tính ra thì cũng vậy, có khi còn lãi vì từ ngày ra đảo cô nàng lại tỏ ra quan tâm hơn, tàu nào cũng gửi ra nào chè nào thuốc, lại còn viết bao nhiêu là thư, thành ra cứ lúc nào rảnh rỗi Tùng "toác" lại lôi thư người yêu ra đọc.

Nhưng việc hồi âm với Tùng "toác" quả là vấn đề nan giải. Chủ nhật nào nó cũng nằm xoài ra viết thư, người nhễ nhại mồ hôi, lật qua lật lại như người lên cơn sốt, viết được vài chữ có khi lại ngồi thừ mặt ra rồi gạch bỏ vì không ưng ý, cũng có khi bị cắt ngang bởi bọn Quang "cháy" phá đám, có khi viết được một nửa xong lại để đâu mất, tuần sau sờ đến không thấy lại viết lại từ đầu.

Hôm nay nó có vẻ nhập hồn lắm, mặc độc một chiếc quần đùi, nằm bò trên giường ngoáy soàn soạt, được một đoạn lại buông bút tư duy. Quang "cháy", Mạnh và Tuân "còm" về thấy Tùng "toác" đang nằm ngửa, chân nọ gác lên đầu gối kia có vẻ phởn lắm. Nó đang đọc lại đoạn vừa sáng tác, miệng cười mủm mỉm rất mãn nguyện. Quang "cháy" ra hiệu cho Mạnh và Tuân "còm" trật tự rồi rón rén bước lại phía sau khom lưng nhòm trộm không nhịn được nó phì cười làm Tùng "toác" giật mình.

- Á à! Nhìn trộm hả! Thèm hả, hơ hơ... Vô duyên làm đứt cảm xúc của anh là ăn phạt đấy nhá. Hơ hơ...

Quang "cháy" lu loa:

- Điêu! Điêu kinh khủng. Hằng em, đêm nay anh thao thức trong màn đêm bao phủ. Bốn bề là sóng biển ạt ào và tiếng côn trùng kêu rả rích... Nói phét có hạng, ối giời ơi bây giờ đang là đêm chúng mày ơi, tối quá. Thằng Tuân mày thắp cho anh Tùng cái đèn để anh ấy viết thư. Văn thì cũng văn nó vừa vừa thôi, ở đây đào đâu ra côn trùng mà kêu rả rích. Thà cứ nói rằng tiếng chuột kêu chít chít lại còn dễ chấp nhận hơn, đằng này...

- Hơ hơ... Thế còn ngon chán nhá. Viết thư tình mà đưa cả chuột vào thì chỉ là văn vét đĩa nhá, văn hôi nhá. Chuột chỉ nướng cho lợn ăn thôi nhá, không thể đưa vào thư tình được nhá. Hơ hơ... Đây điêu nhưng cũng không chết người nhá, điêu chẳng hại ai nhá. Điêu mà lừa được người khác đi giặt quần áo cho mình mới gọi là điêu nhá, mà quần áo hôi nên mới có chuột vào làm tổ mà kêu chít chít nhá. Hơ hơ... Tuân, lúc nãy giặt quần áo cho nó mày có thấy con chuột nào trong ấy không đem lên đảo nộp mà lấy chỉ tiêu. Hơ hơ...

- Không có chuột nhưng em giặt ba nước vẫn thấy đục ngầu.

- Đấy, ông đem những chuyện đó ra mà kể với người yêu ông nhá. Hơ hơ... Tha hồ mà hiện thực, mà thi vị nhá.

- Đây không cần, đây có kiểu khác hấp dẫn hơn nhiều- Quang "cháy" đấm ùm ụp vào cái lưng bóng nhẫy bè bè như tấm phản của Tùng "toác" - Thôi thôi viết tiếp đi, nhưng mà cũng phải xem lại. Điêu gì thì cũng phải có sức thuyết phục. Tôi hỏi ông tiếng sóng biển to thế liệu có còn nghe thấy tiếng côn trùng rỉ rả không?

Tùng "toác" thộn mặt:

- ừ nhỉ!

Quang "cháy" lại có cách nhớ người yêu kiểu khác. Chủ nhật nào nó cũng vẽ. Một tập giấy A4, một nắm bút chì từ cỡ HB đến 5B, một cuốn sách "Tự học vẽ" và một viên tẩy là hành trang của nó khi ra đảo. Nó thường vẽ các người mẫu thời trang, diễn viên điện ảnh trên các tạp chí hoặc từ mớ tranh ảnh của ai đó trong phòng. Mấy chục tờ giấy đủ các gương mặt, các kiểu dáng người đẹp mà nếu không có ghi chú thì chẳng ai biết đấy là Mai Thu Huyền, Hồng Nhung hay Thanh Lam... Tùng "toác" bảo mấy ngôi sao ấy mà nhìn thấy tranh mày vẽ họ thì nhất định mày sẽ bị kiện ra toà vì tội danh cố tình làm méo mó hình tượng nghệ sĩ. Còn Mạnh "ngô đồng" thì có người bạn là chiếc đàn bầu. Nó đã kỳ công mang từ Yên Bái theo chặng đường nhập ngũ. Giữ suốt thời tân binh, đơn vị bắt phải gửi đồ không thuộc diện quân đội cấp phát, nhưng vì cây đàn lại có tác dụng phục vụ văn hoá văn nghệ, vả lại nhìn nó cũng hay hay nên không ai bắt gửi. Thế là bỗng nhiên nó có một vị trí ngoại lệ. Đến khi đi đảo Mạnh lại cất công mang ra tận đây cùng với đôi loa tương đối kềnh càng so với hành trang một người lính. Trước khi nhập ngũ, Mạnh đã dự thi vào Nhạc viện Hà Nội nhưng bị trượt. Nhưng nó vẫn không từ bỏ ý định theo đuổi con đường âm nhạc. Vì vậy vẫn kiên quyết mang theo đồ nghề để tập luyện mặc dù ai cũng can ngăn, mấy anh huyện đội đã bắt để lại, không biết nó giấu thế nào vẫn lén mang lên được. Và chiếc đàn của Mạnh đã chứng tỏ vị trí của nó nơi đảo xa, đã đem lại niềm vui cho những người lính ở đây. Có mỗi Hoàn "đơ" là hay chê. Mỗi lần Mạnh đàn là nó phủi đít đứng dậy, buông thõng một câu: Nghe đàn của anh muốn bỏ về đất liền cho rồi.

Khi Quang "cháy" lôi đủ đống giấy bút ra thì Mạnh cũng đã triển khai xong cây đàn và cuốn sách nhạc ra giường. Nó tranh thủ tập một bản mới. Thế là mỗi đứa mỗi việc. Người vẽ cứ vẽ, người đàn cứ đàn. Người viết thư cứ viết thư. Riêng Hoàn "đơ" dường như vô can, mặc mọi người huyên náo nó vô tư lăn ra ngủ tỳ tỳ như người bị đánh thuốc mê, không biết trời đất là gì. Có lẽ do tối qua cu cậu phải trực ca cuối không được ngủ. Mà cũng chả phải, với Hoàn "đơ" dù có không trực thì nó cũng vẫn cứ ngủ như là một việc làm thích thú nhất trong những ngày nghỉ.

Hôm nay Quang "cháy" nổi hứng tuyên bố sẽ vẽ... người yêu thằng bạn. Nó lôi ra một tấm ảnh cỡ mười - mười lăm có hình một thiếu nữ mắc áo đỏ đang đứng trước một ruộng bon khoai và lấy đồ nghề ra làm công tác chuẩn bị. Mấy chú lính đàn em xúm lại xem. Tuân "còm" khen:

- Người yêu anh Quang xinh thế. Chị ấy làm nghề gì ạ?

- Cô giáo. Người yêu người ta như thế chứ ai thèm đi bán xăng (ý nó chọc Tùng "toác"). Anh quen hơi bị nhiều sinh viên sư phạm, có ảnh tử tế. Chú thích kết bạn không để anh giới thiệu

- Thật nhé. Nhưng mà phải cho em xem ảnh trước cơ.

Mạnh dừng tay đàn chen vào:

- Chú có mấy em bên khí tượng rồi còn kết bạn gì lắm thế. Mấy em này phải để anh.

Tùng "toác" bị Quang "cháy" khích liền bỏ lá thư đang viết dở sấn sổ chạy lại:

- Này nhá, bán xăng có cái giá của bán xăng nhá. Hơ hơ... Không có xăng thì còn lâu mới nổ được máy mà đến với cô giáo, mà vè vè chở cô giáo tương lai của ông đi chơi nhá. Đâu, xem kỹ sư tâm hồn của ông có bằng nửa người yêu tôi không nào? - Nó ngó vào tấm ảnh rồi trề môi - Quê một cục, hơ hơ... thế này mà cũng gọi là kỹ sư tâm hồn. Đứng trước một ruộng bon khoai tốt thế này thì chỉ là kỹ sư chăn nuôi thôi phải không bọn mày. Hơ hơ... Chính hãng kỹ sư chăn nuôi, người yêu của hoạ sĩ tài danh Chí Quang.

- Chăn nuôi còn hơn bán xăng/Có ngày gặp lửa nó "bùng" mất tiêu - Quang "cháy" cao hứng ngâm nga - Lại viết thư nhanh lên không có nó bùng mất đấy.

Nói rồi nó cúi xuống lôi chiếc hòm gỗ trong gầm giường ra đặt lên phản làm giá vẽ và để chì, tẩy. Mạnh và Tuân "còm" ngồi xem Quang "cháy" cầm thước xăng ty mét đo đạc tính toán rồi kẻ khung, vẽ vẽ tẩy tẩy. Ngồi được một lúc, chờ mãi vẫn chưa thấy gì hiện lên trang giấy Mạnh sốt ruột bỏ đi tập đàn tiếp, còn Tuân "còm" vẫn kiên nhẫn ngồi xem đến cùng. Đến giờ ăn cơm mà bức vẽ vẫn ngổn ngang đường nét. Cả hoạ sĩ và người hâm mộ đành giải lao. Nửa ngày chủ nhật đã trôi qua nhanh chóng.

19.

Hôm nay lại là ca trực của Tuân "còm" trên vọng quan sát mắt. Như có hẹn trước, đến giờ tiến sĩ Hằng lại có mặt bên bờ biển. Theo thói quen, chị đi vòng quanh đảo, nhặt nhạnh những cọng rong mà sóng biển đánh giạt lên bờ săm soi ngắm nghía. Tuân "còm" như đã thành phản ứng, lia ống TZK theo từng cử chỉ của chị. Được một lát thì Quang "cháy" và Hoàn "đơ" cũng đã có mặt. Cả ba thay nhau chia sẻ. Nhưng hôm nay không giống như mọi hôm, khi đi đến khúc quanh giữa đầu nam sang phía cầu cảng, nữ tiến sĩ rời mép nước rẽ lên bờ nơi có những bụi cây bão táp. Theo quán tính, Tuân "còm" lia ống nhòm theo một cách khó hiểu. Khi đã lọt vào giữa những bụi cây lúp xúp rậm rạp rồi vị tiến sĩ nhìn trước nhìn sau rồi rất tự tin, chị rẽ bụi cây ngồi xuống đưa hai tay lên hông kéo quần làm động tác tiểu tiện mà không hề biết rằng có một ống kính đang bí mật theo dõi mọi hành động của mình. Đúng là một tình huống ngoài dự kiến. Sự việc diễn ra nhanh đến mức Tuân "còm" không kịp phản ứng, mặt cứ ngây thộn ra còn Quang "cháy" và Hoàn "đơ" thì cười phá lên. Rất may bụi bão táp cũng đủ độ rậm rạp để che đi những gì không đáng bị phơi bày ngoài một mảng mông trắng lốp mà mắt kém đến đâu cũng nhận ra. Tuân "còm" run lẩy bẩy, mặt tái đi còn Quang "cháy" và Hoàn "đơ" thì cười rũ rượi.

Vị tiến sĩ đã kết thúc công việc hết sức tự nhiên, chị đứng lên chui ra khỏi bụi bão táp, đang sửa sang trang phục chị giật mình quay lại như linh cảm điều gì hay bởi những tiếng cười vọng xuống từ trên cao. Trông lên là ba gương mặt hơn hớn. Hiểu ra mọi chuyện chị hơi bực mình. Không ngờ giữa nơi trời nước bao la này, nơi tưởng chừng con người được tự do nhất với thiên nhiên mà cũng tai vách mạch rừng thế. Chị đã không để ý đến cái chòi quan sát lợi hại kia với một loại trang bị có thể nhìn rất xa. Tại sao mình lại bất cẩn thế không biết. Mà mấy cậu này cũng vô duyên, đã nhìn trộm còn cười hô hố, hay họ cố cười to để cảnh cáo mình không biết chừng?

Đúng lúc Quang "cháy" và Hoàn "đơ" đang cao hứng thì một khẩu lệnh đanh rít vang lên:

- Cả ba anh xuống đây.

Chính trị viên Vũ đã đứng bên dưới từ lúc nào, hai tay chống bên hông nhìn ngược lên chòi. Nét mặt không biểu lộ sự tức giận nhưng căng lên trên từng thớ thịt. Giọng nói như cố ghìm xuống.

Quang "cháy" và Hoàn "đơ" lần lượt leo thang tụt xuống. Tuân "còm" lật đật, hai chân run run đứng trên chòi quan sát.

- Thế nào anh Tuân? Anh có định xuống không đấy?

- Báo cáo... Em đang trực ạ.

- Sẽ có người khác trực thay. Anh cứ xuống đây. Tuân "còm" lẩy bẩy bò xuống những bậc thang gỗ.

- Ba anh về phòng giao ban trạm. Năm phút nữa tôi sẽ nói chuyện với các anh.

Câu chuyện Tuân "còm" tổ chức nhòm trộm tiến sĩ đái nhanh chóng lan truyền ra toàn đảo với những tình tiết ly kỳ biến ảo. Mọi thứ đã được thêm mắm thêm muối bởi những tay đưa chuyện. Tuân "còm" bỗng trở nên "nổi tiếng". Chính trị viên Vũ cho Tuân cùng Quang "cháy" và Hoàn "đơ" lên phòng giao ban và yêu cầu viết bản tường trình lại toàn bộ sự việc. Tuân "còm" mắc hai tội: Một là, vi phạm nội quy trực ban chiến đấu, để người không có nhiệm vụ lên chòi. Hai là có hành vi mất lịch sự ảnh hưởng đến tư cách quân nhân. Còn Quang "cháy" và Hoàn "đơ" cũng mắc hai tội: một là, không có nhiệm vụ mà vẫn xâm nhập nơi trực ban chiến đấu, tội thứ hai, cũng giống như Tuân "còm".

Trong buổi sinh hoạt đơn vị, Chính trị viên Vũ tỏ ra rất gay gắt, mặt anh đỏ tía, cơ hàm giật giật. Anh nói:

- Tôi không ngờ trong đơn vị ta lại có những quân nhân như thế. Đấy, các đồng chí xem, khí tài trang bị là để phục vụ chiến đấu, thế mà lại đem ra để làm cái việc... làm cái việc... rình đàn bà thì còn gì là kỷ cương nữa. Thật không ra cái thể thống gì hết. Tôi yêu cầu anh Tuân, anh Quang, anh Hoàn về viết bản kiểm điểm, sau đó trung đội tiến hành sinh hoạt, xét hình thức kỷ lụât để chúng tôi xử lý. Đấy, các đồng chí xem, thật là... không còn mặt mũi nào nữa, không còn gì để nói nữa. Các đồng chí về suy nghĩ xem hành động của các đồng chí có xứng đáng với tư cách một quân nhân không? Chuyện này mà báo cáo về trung đoàn thì thật là xấu hổ...

Cả đơn vị lặng phắc. Quang và Hoàn cúi gằm mặt xuống đất. Tuân "còm" vo hai chân vào nhau như bị kiến đốt, nó đứng dậy mếu máo:

- Tôi xin có ý kiến. Tôi trót mắc tội, tôi xin chịu kỷ luật...

- Anh tưởng kỷ luật các anh là xong à? Anh tưởng mình anh chịu kỷ luật là xong à? Người ta nhìn vào cả cái đơn vị này, cả mấy chục con người này. Người ta cười chúng tôi là không biết giáo dục chiến sĩ, anh biết không?

- Em biết ạ...

- Biết mà còn làm thế à? Hai chục tuổi đầu rồi còn ít ỏi gì nữa. Nghịch thì cũng nghịch vừa vừa thôi chứ. Hiền lành như anh Tuân mà còn có hành động như thế thật tôi không thể tin được...

Sau sinh hoạt trạm, các bộ phận khác được nghỉ, riêng trung đội thông tin về tiếp tục sinh hoạt kiểm điểm vụ việc vi phạm nội quy chiến đấu trong ngày.

Trung đội trưởng Linh cuốn tròn cuốn sổ trong tay đi đi lại lại. Những lúc có điều gì đó trong lòng là anh lại không thể ngồi yên một chỗ. Vị trí chiếc ghế của chủ toạ bị bỏ trống. Bóng đèn ba vôn từ chiếc ắc quy hất ánh sáng yếu ớt lên từng khuôn mặt những mảng tối sáng nhập nhoà. Linh nói chậm và giật cục:

- Những điều các đồng chí được nghe trong buổi sinh hoạt trạm tôi không nói lại nữa. Tôi chỉ rất lấy làm tiếc, trung đội ta tháng trước đã xếp loại thi đua sau trung đội ra đa. Tháng này là tháng thi đua, mọi người đều rất cố gắng. Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc đợt thi đua đột kích. Vậy mà sự việc hôm nay xảy ra... tôi rất thất vọng... Đằng nào thì người ta cũng đã biết hành động của các anh. Theo tôi, cách tốt nhất để giải quyết sự việc là anh Quang, anh Tuân, anh Hoàn ngay sau buổi sinh hoạt hôm nay lên gặp và xin lỗi cô Hằng. Nếu người ta thông cảm bỏ qua là điều tốt. Còn việc vi phạm nội quy chiến đấu của anh Tuân thì nhất quyết phải xử lý. Đang trực chiến đấu mà lại cho người không có nhiệm vụ vào vị trí, lại còn dùng khí tài sai mục đích. Thử hỏi có tình huống máy bay địch xâm phạm vào khu vực thì anh có hoàn thành nhiệm vụ không? Thế cho nên là tôi thấy ý thức cảnh giác của các đồng chí rất kém. Mỗi người khi mới đặt chân lên đảo này đã được nghe phổ biến quán triệt đầy đủ về đặc thù, tình hình nhiệm vụ ở ngoài này, vậy mà...

Buổi sinh hoạt kết thúc nặng nề. Mặc dù trung đội trưởng Linh đã có khẩu lệnh giải tán mà mọi người vẫn ai ngồi chỗ nấy. Tiếng muỗi vo ve đến là bức bối. Tuân "còm" ngồi im thít, muỗi cắn cũng không buồn đập. Phải đi gặp và xin lỗi chị Hằng quả là một hình phạt ngoài sức tưởng tượng. Trời ơi, sao mà mình lại dại dột thế? Bây giờ biết làm thế nào đây? Chỉ mới nghĩ đến việc gặp chị Hằng thôi là đã muốn chui xuống kẽ nẻ rồi nói gì đến chuyện xin lỗi, chả lẽ lại bảo em xin lỗi vì trót nhìn chị đái...

Tùng "toác" lại gần vỗ vai Tuân "còm":

- Hơ hơ... Sướng chưa em. Mày cứ nghe anh Quang thì có ngày gặp hạn đấy em ạ. Chưa chừa cái vụ khí tượng à? Thằng này nai quá bị lừa suốt mà không rút kinh nghiệm.

- Này này, đừng có mà xiên xẹo. Không biết thì thôi, chính nó rủ bọn này lên xem chứ không phải bọn này xui đâu nhá.

- ờ thì cứ cho là nó gọi ông lên xem đi, nhưng tôi hỏi ông nếu các ông không bày cho nó xem quần áo lót phơi bên nhà khí tượng bữa trước thì nó có dám lia máy mà theo dõi chị Hằng không?

Quang "cháy" đuối lý không nói được gì. Tùng "toác" tiếp:

- Thôi, nhanh lên mà yết kiến Hằng Nga cô nương của ông để cô nương đại xá cho.

Hoàn "đơ" đang ngồi bên mép giường đứng bật dậy:

- Đi thì đi, sợ gì. Anh em đâu, chuẩn bị lên đường.

Quang "cháy" cũng nhảy phắt xuống đất:

- Tuân đâu, đi mày.

Tuân "còm" ngủng ngoẳng:

- Em không đi đâu.

Hoàn "đơ" bảo:

- Mày cứ đi đi, để bọn tao nói, mày không phải nói đâu mà lo.

Quang "cháy" lại trêu:

- Chú không đi thì thôi, để bọn anh đi. Còn chú mai đi một mình vậy.

Nói rồi Quang "cháy" và Hoàn "đơ" vờ đi thật nhanh ra cửa. Tuân "còm" chạy theo rối rít:

- Không, không, em đi cùng với, em không đi một mình đâu. Chờ em với, em thay cái quần.

Tùng "toác" cười giả lả nói với theo:

- Ông Quang, nhân thể nhờ cô nương làm mẫu vẽ luôn chứ?

Quang "cháy" cau có:

- Đang sắp chết đây lại còn đùa.

- Hơ hơ hơ... Thế cho các ông nhớ, lúc tôi bảo thì không nghe. Kinh quá, bọn này uống thuốc liều cả rồi hay sao ý. Chúc các huynh lên đường bình an, nhớ bảo trọng. Hơ hơ... Này Tuân, anh dặn, nếu tình hình khó khăn quá thì rút lui để bảo toàn lực lượng nghe không?

- ông sủa vừa vừa chứ. Vào viết thư đi không người yêu nó bùng mất bây giờ.

Quang "cháy" ném lại một câu trước khi cất bước cùng Hoàn "đơ" và Tuân "còm" hướng về phía nhà chỉ huy đảo.

*

Tiến sĩ Hằng ở tại một căn phòng phía sau dãy nhà chỉ huy. Trong phòng gồm một bộ bàn ghế dùng để tiếp khách, một chiếc bàn làm việc để các dụng cụ chuyên môn. Phía sau tấm ri đô ngăn cách là một chiếc giường bộ đội kèm chăn chiếu đủ bộ như của một chiến sĩ. Chị đang ngồi trước bàn làm việc dùng chiếc đèn pin kiểm tra các mẫu rong biển thu được đang nuôi trong các lọ thủy tinh đựng dung dịch nước biển và hý hoáy ghi chép số liệu trên một tập giấy kẻ ô trước mặt. Vài sợi tóc vương trên vầng trán lấm tấm mồ hôi. Chị đang rất say sưa với công việc thì có tiếng gõ cửa.

Trạm trưởng Tiến bước vào. Tiến sĩ Hằng nói khẽ:

- Anh...

- ừ, anh đây. Em vẫn chưa nghỉ sao?

- Vâng, em đang xử lý nốt mấy mẫu rong mới thu được. Còn anh cũng chưa ngủ sao?

- Anh chưa...

Tiến sĩ Hằng kéo ghế cho trạm trưởng Tiến ngồi. Đoạn chị lấy ấm pha nước. Ngồi một lát Trạm trưởng Tiến mới hỏi:

- Hôm nay em gặp chuyện khó xử phải không?

- Chuyện gì cơ anh? - Tiến sĩ Hằng dừng tay rót nước nhìn lên ngơ ngác.

- Chuyện mấy cậu lính trẻ bên anh ấy mà...

Tiến sĩ Hằng khẽ à lên một tiếng, im lặng một lát chị mới nói khẽ:

- Em không để bụng đâu anh ạ. Lính trẻ nghịch ngợm là chuyện thường. Nhưng anh cũng phải nhắc nhở các cậu ấy. Nhỡ không phải là em mà là mấy cô văn công trẻ thì sao?

- Anh đã cho đơn vị sinh hoạt, kiểm điểm rồi. Em thông cảm nhé, không thể kiểm soát hết các ông tướng ấy được.

Tiến sĩ Hằng tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Vậy sao? Làm sao mà anh biết. Anh làm việc đó không phải là bởi nạn nhân là em đấy chứ?

- Là ai thì cũng phải xử lý. Quân đội có kỷ luật của nó em ạ.

- Nhưng anh đừng kỷ luật. Tội nghiệp chúng nó anh ạ. Mà thôi, ta nói chuyện khác đi anh.

Hai người rủ rỉ, tâm tình. Câu chuyện đã chuyển hướng sang các vấn đề riêng tư. Trong lúc đó thì phía ngoài, Quang "cháy", Hoàn "đơ" và Tuân "còm" đang tiến về phía căn phòng của vị tiến sĩ. Quang "cháy" dòm qua khe cửa bỗng khựng lại. Cả ba đứng đó nghe ngóng. ánh trăng soi ba bóng người sáng rõ. Câu chuyện lọt vào tai họ câu được câu chăng. Đúng lúc đó thì phía trong nhà, trạm trưởng tiến và tiến sĩ Hằng đã xoắn lấy nhau. Hai cái miệng như dính phải keo con voi xoắn chặt. Những tiếng thở mạnh. Ba cái đầu lính trẻ đang chăm chú ngây ngất trước những gì diễn ra trong căn phòng thì có tiếng quát:

- Làm gì mà dòm ngó ở đấy? Không vào xin lỗi người ta đi còn chần chừ gì?

Cả ba cậu lính trẻ giật bắn mình, mặt vẫn nghệt ra. Thì ra là trung đội trưởng Linh.

Nghe tiếng quát, hai tấm thân đang xoắn xuýt của vị trạm trưởng và nữ tiến sĩ khẽ rung lên và rời nhau ra. Mỗi người nhanh chóng yên vị trên ghế của mình. Nữ tiến sĩ lúng túng:

- Anh uống nước đi. Để em xem ai ở ngoài.

Trạm trưởng Tiến cũng nhanh chóng đáp lại:

- Chắc mấy cậu đi đổi gác ấy mà.

Cửa mở. Trung đội trưởng Linh xuất hiện. Nhìn thấy trạm trưởng Tiến, Linh tỏ ra lúng túng:

- Trạm trưởng... em... em cho mấy đồng chí này lên xin lỗi chị Hằng.

Trạm trưởng cau mày:

- Ai bảo anh dẫn lên xin lỗi? Mọi việc phải có ý kiến chúng tôi chứ?

Trung đội trưởng ngập ngừng:

- Thì em nghĩ họ cư xử mất lịch sự nên phải xin lỗi
chị ấy...

- Tuỳ tiện quá. Thôi cho anh em về đi. Mà xin lỗi thì để ban ngày ban mặt, đêm hôm thế này lên đây làm gì?

Nói xong trạm trưởng như nhớ ra sự vô lý của mình nên hạ giọng:

- Tôi cũng vừa nói chuyện với chị ấy rồi. Thôi anh về đi, còn mấy cậu đã lên đây thì vào trong ấy uống nước và nói chuyện, xin lỗi chị ấy một câu.

Nói rồi trạm trưởng quay người đi về phía nhà chỉ huy đảo. Trung đội trưởng Linh cũng lủi thủi ra về.

*

Quang "cháy" khẽ ghé mắt qua khe cửa khép hờ rồi quay lại nói khẽ:

- Đang làm việc.

- Có vào không? - Hoàn "đơ" hỏi.

Tuân "còm" thở gấp:

- Hay là về...

- Đã lên đây rồi lại về để mặt mo à. Vào! - Quang "cháy" dứt khoát.

Tiến sĩ Hằng rời bàn làm việc, chị cúi xuống đấu chiếc bóng chiếu sáng mười hai vôn vào bình ắc quy thay cho bóng ba vôn. Căn phòng sáng lên rõ rệt soi sáng bộ bàn ghế gỗ đã cũ và bộ ấm chén sạch sẽ nằm ngay ngắn trên mặt bàn. Chị ra mở cửa:

- Vào đây các em.

Vẻ như hơi ngượng khi nhìn thấy ba cậu lính trẻ nhưng rất nhanh chị đã lấy lại tự nhiên. Rót ba cốc nước sôi đặt trước mặt từng vị khách vị tiến sĩ thong thả gợi chuyện để họ nói:

- Các em uống nước đi. Lên chơi với chị hay có việc gì nữa?

Quang "cháy" ấp úng:

- Dạ... bọn em... bọn em lên xin lỗi chị về việc... Chúng em xin lỗi chị về việc sáng nay...

Quang "cháy" lại ấp úng rồi ngừng bặt ở đấy. Tuân "còm" ngồi im như thóc từ nãy bỗng lên tiếng xen vào:

- Chúng em không cố ý đâu ạ.

Giờ thì đến lượt vị tiến sĩ im lặng. Chị thấy thật khó xử trước những gương mặt đỏ bừng của ba chàng lính trẻ. Sự im lặng khiến mọi người cảm thấy khó thở. Mãi sau tiến sĩ Hằng mới chủ động kéo câu chuyện sang hướng khác, chị lên tiếng ôn tồn:

- Thôi, các em không phải nói nữa. Cũng là do chị một phần. Anh Tiến cũng đã nói với chị rồi. Ta nói chuyện khác đi. Các em quê ở đâu?

Cả ba đứa như trút được gánh nặng nhưng vẫn chưa lấy lại được vẻ tự nhiên.

- Dạ, em ở Thanh Hoá ạ.

- Còn em ở Nam Định.

Tuân "còm" nói sau cùng:

- Em ở Thái Bình ạ.

- Em ở Thái Bình à? Thế thì cùng quê với chị đấy. Thế nhà em ở huyện nào?

Mặt Tuân "còm" sáng lên.

- Chị ở Tiền Hải. Còn em?

- Em ở Đông Hưng. Chị có hay về quê không?

- Chị cũng ít về. Bây giờ chị công tác và sống ở Hà Nội, mỗi năm cũng chỉ về được một lần thôi. Thế các em đi lính lâu chưa?

- Em năm thứ ba, Hoàn năm thứ hai, còn Tuân năm thứ nhất ạ.

- Thế công việc chuyên môn của bọn em là gì?

- Em và Hoàn trực thông tin ở sở chỉ huy, còn Tuân trực quan sát mắt để theo dõi máy bay đấy ạ.

- Quan sát mắt là thế nào, chị không hiểu?

Tuân "còm" cao hứng:

- Là quan sát máy bay bằng mắt thường thông qua một bộ kính ngắm quang học.

- Thế thì nhìn có thấy rõ không? Bọn em đứng ở đâu quan sát?

- Cũng tuỳ trời trong hay mờ và cự ly xa hay gần. Bình thường thì rõ lắm ạ. Bọn em trực ở trên chòi, chỗ lúc sáng...

Tuân "còm" đang cao hứng thì bị đá chân dưới gầm bàn, biết mình lỡ lời nó im bặt. Cuộc nói chuỵên đang sôi nổi bỗng dưng bị đứt đoạn. Loanh quanh thế nào câu chuyện lại trở về cái chòi, đúng vị trí xảy ra sự việc nhạy cảm. Nhưng lúc này tâm trạng mọi người đã được giải toả, tiến sĩ Hằng chủ động kéo câu chuyện trở lại không khí thân mật:

- Thật là mỗi người mỗi công việc, chẳng ai giống ai. Công việc của bọn em có vất vả lắm không?

- Chúng em thấy bình thường. Bên bộ binh và hoả lực họ còn vất vả hơn chúng em nhiều, lại toàn việc nặng nhọc cả. Thế còn chị, công việc của chị thế nào ạ?

- Công việc của chị ấy à? Chủ yếu là nghiên cứu các mẫu vật rong có thể làm rau xanh xem chúng có thể sống được trong môi trường nước biển bơm lên bể chứa trên bờ không? Tóm lại là liệu có thể đưa rong biển lên bờ được không, tất nhiên là với những loài cần thiết. Như ba mẫu rong chị mới thu được trên bàn kia là một thí nghiệm nhỏ để thử khả năng thích ứng của chúng. Rong biển có nhiều loại trong đó có một số loại có thể dùng thay rau xanh, có loại lại dùng nấu chè ăn rất mát, có tác dụng giải nhiệt và cung cấp hàm lượng vitamin cao.

Chị nói say sưa như đang thuyết trình trước một hội nghị chuyên ngành. Đoạn đứng lên bước lại bàn làm việc chỉ cho Quang, Tuân và Mạnh xem một nhánh rong nằm trong bình thủy tinh rất mập, cọng rong có màu xanh nhạt và trong suốt. Chị bảo, loại này có thể nấu chè được đấy, không ngờ biển Trường Sa cũng có, chị vừa phát hiện ra nó chiều nay. Cả ba đứa nghe nói liền ồ lên:

- Loại này chúng em đã gặp khi đi đánh cá. Thế mà không biết.

- Các em thấy ở khu vực nào? Có nhiều không? - Tiến sĩ Hằng hỏi dồn dập.

- Ở đằng đầu đông đường băng. Không nhiều lắm.

- Thế là tốt rồi. Loài này đang cần tìm. Bây giờ đằng chị đã có mẫu nghiên cứu, tới đây sẽ tiến hành nuôi thử nghiệm. Chuyến tàu tới Viện của chị sẽ gửi ra thêm một số bể com-po-sít để nuôi thử nghiệm ở đảo.

Ba chàng lính chăm chú quan sát các mẫu vật và tỏ ra rất thích thú. Tuân "còm" thích nhất loại rong có thể nấu chè được. Tiến sĩ Hằng hứa khi nào nhân giống được nhiều sẽ cho họ một ít và hướng dẫn cách chế biến ăn thử. Trước khi Quang "cháy", Hoàn "đơ" và Tuân "còm" ra về chị còn cho ba đứa chung nhau một hộp xê sủi vị cam và bảo khi nào rảnh lên chơi với chị cho đỡ buồn.

*

Cả ba đi về với vẻ mặt hớn hở. Tùng "toác" như chờ họ ở cửa, nhìn thái độ vui vẻ của ba đứa nó tỏ ra hết sức ngạc nhiên:

- Thế nào? Gặp tiến sĩ rồi chứ?

Quang "cháy" vênh váo:

- Dĩ nhiên.

- Rồi sao? Có dám xin lỗi không?

- Thế ông nghĩ bọn tôi hèn thế à. Này, xem chiến lợi phẩm đây này?

Quang "cháy" vừa nói vừa giơ ống xê sủi mới tinh ra trước mặt Tùng "toác" làm cu cậu tròn mắt:

- Ở đâu ra thế?

- Chị Hằng cho đấy.

- Thật không thể tin được. Chẳng lẽ chị ấy không giận?

- Ông chẳng hiểu gì cả. Người ta là tiến sĩ, người ta độ lượng, người ta bao dung, người ta quảng đại chứ đâu có tẹp nhẹp như ông. Không những bỏ qua mà còn mời thỉnh thoảng lên chơi cho đỡ buồn nhé. Lại còn được bổ mắt nữa nhé. - Quang "cháy" nói và nháy mắt với Hoàn "đơ", Tuân "còm".

- ái dà! Bọn này gặp may thật. Này, nhưng mà có cả công tôi trong đó đấy nhé. Tôi không kích thì làm sao các ông có đủ can đảm mà lên đấy. Lên chơi à? Cho đỡ buồn à? Thôi chết rồi, không khéo tiến sĩ lại muốn nhận thằng Tuân làm em nuôi đây.

- Đừng có ăn nói linh tinh, người ta nghe thấy lần này thì không thanh minh được đâu, chỉ được cái hồ đồ, đoán già đoán non. Gớm, không đến lượt thảo dân đâu mà mơ... - Quang "cháy" nói át đi, đoạn sau có ý ám chỉ những gì mà cả ba vừa trông thấy.

- Thôi thôi, chuyện riêng tư của người ta lại cứ lôi ra để bàn tán. Làm gì là quyền của người ta, can hệ gì đến các ông nào? Giải tán đi ngủ cho tôi nhờ. - Tuân "còm" ra vẻ người lớn. Nhưng trong giọng nói lộ rõ niềm vui thoát nạn. Nó sợ nhất là màn xin lỗi, xin lỗi xong thì dù có phải chịu án kỷ luật cũng chẳng sao.

Sau sự kiện xin lỗi, việc giải quyết vụ vi phạm kỷ luật chiến đấu và quan hệ quân dân mà cánh lính trẻ gọi nôm na là vụ nhòm tiến sĩ đái có phần xuôi hơn. Tối hôm sau đơn vị tổ chức sinh hoạt kiểm điểm. Hoàn "đơ" và Quang "cháy" được bỏ qua, còn Tuân "còm" do đang ca trực nên bị phạt khiển trách trước đại đội và bị trung đội phạt nấu cơm một tuần. Từ hôm đó cứ nhắc đến chị Hằng là Tuân "còm" lảng đi chỗ khác.

Tùng "toác" được tha, bàn giao nấu cơm cho Tuân "còm". Sau buổi sinh hoạt Tuân "còm" ấm ức lắm. Buổi tối, khi Tùng "toác" lên giường đi ngủ Tuân "còm" trèo lên theo ca cẩm:

- Chỉ có em với anh là thiệt, phải nấu cơm. Bọn anh Quang, anh Hoàn có khi còn nhìn nhiều hơn em ấy chứ. Thế mà không việc gì.

Tùng "toác" cười hơ hơ hưởng ứng:

- Ừ, đúng thật, chỉ có anh với chú là thiệt. Nhưng mà này, anh hỏi thật, lúc ấy chú có thấy gì không?

- Lúc đấy em bỏ kính ngay, hoa hết cả mắt có thấy gì đâu.

- Hơ hơ... mới có thế mà đã hoa mắt chóng mặt. Chú đúng là một con nai vàng ngơ ngác.

- Thôi, không thấy là may, mày còn trẻ, thấy là phí mất hai mươi năm trong trắng đấy. - Mạnh nằm sau lưng theo dõi câu chuyện tự lúc nào chêm vào góp chuyện.

Tuân "còm" ngoái lại:

- Thế anh Mạnh thấy rồi à?

- Dĩ nhiên. Tao còn lạ gì cái của nợ ấy, thấy lâu rồi chứ lỵ.

- Chỉ thấy thôi thì làm chó gì. Trăm nghe không bằng một thấy, nhưng trăm thấy không bằng một... sờ nhé. - Tùng "toác" kích Mạnh.

- Khiếp, lại còn sờ nữa. - Tuân "còm" ngây ngô.

Mạnh cao hứng:

- Này, đây còn trên cả sờ nhé. Còn nhớ cái em bên bờ suối tao vẫn kể không. úi giời, chú Tuân không biết chứ... hơi bị phê... Gặp có mấy lần mà em bồ kết tao ngay. Cái khoản đó không phải suy nghĩ.

- Hơ hơ... Ông đừng có nói phét. Cứ làm như của giời ơi ấy. Gớm... người yêu tôi đây này, giữ như giữ mả tổ ấy chứ? Mà mấy năm rồi ông biết không? Ba năm rồi đấy. Đây có vài lần gặp ngoài bờ suối mà đã đòi... Cứ nói phét cho em nó thèm.

- Ông không tin thì thôi. Chỗ tôi toàn gái dân tộc, cái khoản đó hơi bị xông xênh. Thích là quyết ngay.

- Cứ như ông thì ai cũng thích được. Quyết tất đấy?

Tùng "toác" làu bàu rồi ngáy khò khò. Tuân "còm" lật ngược lật xuôi một lúc rồi cũng ngủ.

Nửa đêm, Tùng "toác" đang ngủ bỗng sực tỉnh và thấy nhồn nhột. Hai cánh tay của ai đó cứ ôm chặt lấy một bên chân nó. Cái chân vốn như một khúc cây chuối hột và xồm xoàm lông lá. Nó định vùng dậy chợt nhớ ra Tuân "còm" lúc tối ngủ cùng mình. Tùng nghĩ bụng, chắc cu cậu lại mê ngủ đây. Tuân "còm" cựa quậy thế nào đã tụt xuống đuôi giường, hai tay cứ ôm ghì lấy chân Tùng "toác", bàn tay nó cứ xoa xoa vào bắp đùi Tùng "toác", ngay chỗ lông rậm nhất làm Tùng "toác" nhột muốn chết. Nó chỉ muốn đạp cho Tuân "còm" một cái nhưng nghĩ thế nào lại bấm bụng chịu. Ai dè thằng Tuân được thể càng quá đà hơn, cứ ôm dịt lấy khúc chân của Tùng "toác" vào lòng. Nó co hai chân quặp chặt lấy khúc chuối mà xoa xuýt, lại còn ấn cả cái của nợ vào đấy nữa. Tùng "toác" cảm nhận thấy một sự tiếp xúc nóng hổi nơi bắp vế. Tuân "còm" ú ớ, toàn thân co giật nhẹ, rồi vòng tay nó lỏng dần, từ từ buông lơi. Khúc chuối hột giờ trở nên vô duyên, lạnh ngắt. Tùng "toác" khe khẽ rút chân ra, cảm thấy nơi bắp vế ươn ướt, lành lạnh. Nó sẽ sàng tụt khỏi giường đi ra phía bể nước miệng làu bàu ngái ngủ: "Đồ khỉ". Giường bên, Mạnh cũng đang ngủ mê ú ớ.

22.

Đang rầm rĩ như sắp sập xuống, tưởng như giông bão đến nơi thì bỗng nhiên trời lại đổi ý đổ nắng. Nắng gay gắt, chang chang như xói vào da thịt. Thời tiết năm nay thật thất thường. Đang là buổi trưa, cái nóng như hun toả xuống khắp các mái tôn hầm hập. Toàn đảo chìm vào giấc ngủ trưa mệt mỏi. Vài tiếng ngáy khò khè nặng nhọc. Mùi mồ hôi hăng hăng toả ra khắp căn phòng. Mùa này cái nắng thật kỳ lạ, cứ hết một đợt mưa bão là nắng gay nắng gắt. Nắng đến phát ốm lên được. Hôm nay trung đội trưởng Linh thấy người có gì khang khác. Ngay từ đêm qua anh đã ngây ngấy sốt. Trong giấc ngủ chập chờn anh mơ thấy một giấc mơ rất lạ. Anh mơ thấy mình còn là chiến sĩ, tổ điện đài của anh có nhiệm vụ triển khai thông tin phục vụ việc chốt giữ một cây cầu. Một căn hầm sâu và kiên cố ăn vào lòng đất ở đầu cầu phía bắc. Anh và hai chiến sĩ nữa vừa đưa được máy móc dây dợ vào xong anh quay ra loay hoay ra tìm cách chốt cửa hầm bằng một tấm ván. Khi quay vào thì không biết năm thằng địch đã lọt vào từ lúc nào lăm lăm năm khẩu súng trên tay. Anh bị bắt. Bị giải đi. Thằng địch giải anh nói một câu gì đó khi ra khỏi hầm khiến anh ngẩng mặt lên nhìn nó và nhận ra đó chính là thằng bạn đồng hương cùng nhập ngũ với mình. Không kìm được anh bật kêu tên nó. Nó cũng nhận ra anh, khẩu súng rơi từ tay xuống đất, cả hai ôm chầm lấy nhau cùng oà khóc. Anh kể chuyện làng quê, chuyện gia đình nó cho nó nghe, cả chuyện bà già mù ở một mình dưới gốc cây nhãn đầu làng đã chết, còn bà Đắc bán bánh cuốn chuyên nói nhịu mọi thứ thành l... ngay cả thứ bánh bà bán cũng mang tên đó luôn nhưng vẫn đông khách vì mọi người đã quen không cảm thấy tục nữa. Bây giờ bà ấy đã quá già, vẫn nói nhịu nhưng không còn bán bánh nữa vì hình như bây giờ người làng văn minh hơn không thể chịu nổi một người bán đồ ăn vào mồm lại toàn mời khách ăn l... Thằng bạn anh bỗng khóc rống lên và bảo chính bà ta là mẹ nó, ngày xưa đẻ nó ra nhưng không nuôi được phải đem cho. Lần cuối cùng về làng nó đã biết điều đó. Và rồi nó bỗng nghiến răng lại, vội vàng vồ lấy khẩu súng dưới đất tiếp tục chĩa vào anh run rẩy. Nhưng hình như nó không tự chủ được, ngón tay trỏ đã miết vào cò súng. Tiếng nổ đã xoá sạch giấc mơ của Linh trả anh về với chiếc giường gỗ. Đêm đen sẫm, chiếc khăn dấp dính mồ hôi, toàn thân anh nóng bừng và mặt thì đầy nước mắt. Linh thấy khát, khát kinh khủng liền đưa lưỡi liếm dòng nước còn đọng lại trên mặt mặn chát, đôi môi nứt nẻ. Anh rụt lưỡi bất lực ngoẹo đầu sang một bên, má chạm vào gối, chiếc gối cũng bị thấm ướt bằng thứ nước mằn mặn...

*

Keng! Keng! Keng!

Keng! Keng! Keng!

Keng! Keng! Keng!

Từng hồi kẻng dồn dập vang lên phá tan bầu không khí yên ắng và cắt ngang dòng suy nghĩ của Linh. Mười hai giờ trưa. Cái nắng như muốn nung đỏ từng mái tôn trơ trọi. Cả đảo đang ngủ trưa đều bật dậy. "Tất cả về vị trí chiến đấu". Tiếng mở tủ súng lách cách. Tiếng bước chân thuỳnh thuỵch.

Phía đông nam xuất hiện một con tàu lạ. Qua TZK chỉ thấy nó là một loại tàu chiến, không có quốc kỳ, không phiên hiệu. Lừ lừ tiến vào đảo. Chiếc tàu ngày một to dần. Sự vi phạm lãnh hải cố tình. Xung quanh các lô cốt, từng họng súng đen ngòm nhô ra chĩa về phía biển. Các vị trí chiến đấu đã sẵn sàng. Trên chòi chỉ huy đảo, tiếng băng phát bằng ba thứ tiếng oang oang, đanh gọn, nhã nhặn nhưng kiên quyết: Các ngài đã vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam, lãnh hải này đã được công ước quốc tế công nhận. Yêu cầu các ngài rời khỏi khu vực lãnh hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện này. Ngày Phương mới ra đảo, lần đầu chứng kiến cảnh toàn đảo vào vị trí chiến đấu Phương đã suy nghĩ rất nhiều. Trong ý nghĩ của Phương thì chiến tranh là những gì chủ yếu qua sách vở và những lời kể, sự hình dung mà thôi. Nó hết sức mơ hồ, khó nắm bắt cụ thể. Thế mà giờ đây, chỉ một sự xáo động nhỏ thôi, Phương đã thấy như chiến tranh xảy ra đến nơi, như oánh nhau đến nơi. Nhưng không có chuyện đó. Sau khi loa phát đi những thông tin trên một lúc, chiếc tàu lượn lờ nghênh ngang, vòng vo rồi quay đầu bỏ đi xa dần. Toàn đảo được lệnh trở về trạng thái bình thường. Quang, Phương, Hoàn lục tục xách AK về cất. Tuân và Tùng ở tổ cứu thương cũng mang đồ đạc về. Tất cả lên giường ngủ lại nhưng không ai chợp mắt được nữa, khó mà đặt lưng, một phần vì giấc ngủ đã bị cắt ngang, một phần vì cái nóng đến bỏng rát giường chiếu. Nắng thế này là dấu hiệu của một đợt giông bão mới đây. Kinh nghiệm đã cho thấy điều đó, vả lại bây giờ đã là đầu tháng mười thì việc giông bão đến chẳng có
gì lạ.

*

Và giông bão đã đến thật rồi. Cả bầu trời như đổ ụp xuống. Vần vũ. Thét gào. Nước biển sôi lên, dựng thành những cột sóng dập tung vào nhau ở trên không. Bụi nước bay mù mịt. Mặt biển như một chảo dầu sôi cuồng bạo. Từng bụi cây trên đảo như co cụm lại, dẹp mình xuống run rẩy, sợ hãi. Bão ù ù kéo đến. Bờ kè do lực lượng công binh đang xây dựng bị sóng cuốn lôi tuột cả những khối bê tông lớn xuống biển khoét sâu vào đảo. Một đống vỏ bao xi măng tập kết ở bờ kè nhảy tung lên. Nhưng tịnh không hề có một hạt mưa. Không gian căng tức. Quang "cháy" và Mạnh đang cố gắng đẩy xe cải tiến chạy nốt mấy bao đất về đổ vườn rau. Bỗng một tiếng réo ù ù rất to vang dội, ngày một gần hơn. Tùng "toác" chạy ra sau nhà nó đột ngột
Về Đầu Trang Go down
ĐAO PHỦ
Chém Là Chết
Chém Là Chết
ĐAO PHỦ


Tổng số bài gửi : 56
Ngày tham gia : 31/05/2011

Tiếu thuyết đầu tiên về Trường Sa: "Biển xanh màu lá" - Nguyễn Xuân Thủy Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tiếu thuyết đầu tiên về Trường Sa: "Biển xanh màu lá" - Nguyễn Xuân Thủy   Tiếu thuyết đầu tiên về Trường Sa: "Biển xanh màu lá" - Nguyễn Xuân Thủy I_icon_minitimeTue Jan 03, 2012 11:17 pm

chạy vào ngay gào lên: Vòi rồng. Cả trạm đổ ra, không cần nhìn theo tay nó chỉ cũng thấy cột nước lừng lững dựng đứng trên biển đang chuyển động với vận tốc rất nhanh. Những vòi nước xoáy tròn xung quanh hình trụ cao bằng cả ngôi nhà năm tầng quay theo lực ly tâm đang ầm ầm chuyển động. Đã có nhiều câu chuyện lưu truyền về vòi rồng nhưng hôm nay cánh lính trẻ mới tận mắt thấy. Quả thật không thể hình dung. Chiếc vòi rồng di chuyển với vận tốc chóng mặt. To dần lên lừng lững phía biển. Mọi người còn chưa hết bàng hoàng thì Tùng "toác" lại kêu lên như thức tỉnh: Nó di chuyển về phía mình. Mọi người như chợt tỉnh, trạm trưởng Tiến vội hô khẩu lệnh: Tìm chỗ ẩn nấp, khẩn trương tìm chỗ ẩn nấp. Chiếc vòi rồng rầm rầm đổ bộ lên đảo, chạm bờ rồi, không còn nước để cuốn nó kéo theo cả một xoáy nước lên bờ rồi mất dạng, lập tức những bụi cây như bị một bàn tay vô hình túm lấy xoáy tròn mà vặt, và ngay lập tức mọi người lại thấy nó hiện hữu dọc bờ kè. Đống bao xi măng bị cuốn lên cùng đá hộc xoáy tít cao đến chục mét, còn trên đó là những chiếc vỏ bao bị cuốn quay tròn nhìn nhỏ như những phong bì thư. Dòng xi măng, đá hộc chuyển động lao vào căn nhà hai tầng trên đảo, gặp chướng ngại vật nó ném chan chát, rơi huỳnh huỵch xuống đất như một trận mưa đá khổng lồ. Quang "cháy" và Mạnh vẫn loay hoay với chiếc xe cải tiến không hay biết. Thằng Tùng gào lên: Cẩn thận Quang ơi, lốc xoáy đấy, chạy đi. Nhưng không kịp nữa rồi. Quang "cháy" và Mạnh vừa ngẩng lên thì cột lốc đã tràn tới. Chiếc xe cải tiến lập tức bị nhấc bổng lên cùng Quang "cháy" và Mạnh, trước mặt là khoảng trống của sân bóng. Chiếc xe cải tiến ở dưới cùng, quay mấy vòng rồi rơi uỳnh xuống gốc cây tra, phạt gẫy một cành lớn. Quang "cháy" và Mạnh bị quay tròn ném huỵch xuống giữa sân bóng. Cột lốc xoáy xoay một lúc bỗng nhiên tốc độ giảm dần, những chiếc bao thư quay lờ đờ rồi đáp xuống, to dần, trở lại nguyên hình là những vỏ bao xi măng rơi lả tả khắp sân bóng. Tất cả diễn ra nhanh đến mức không ai kịp phản ứng, không ai kịp kêu lên. Lúc đó cả trạm mới nháo nhào, những tiếng kêu thất thanh. Mọi người chạy bổ về phía Quang "cháy" và Mạnh. Các bộ phận khác cũng ào ra đông kín sân bóng. Quang "cháy" vừa tiếp đất, lồm cồm bò dậy mặt nhăn nhó. Tùng "toác" vội đỡ Quang dậy, còn mọi người đổ lại chỗ Mạnh đang nằm bất tỉnh. Hoàn "đơ" cùng mấy người khênh nó lên quân y đảo. Mười lăm phút sau Mạnh mới tỉnh. Ngơ ngác một lúc nó mới nhớ lại mọi chuyện. May mắn là chân tay người ngợm không việc gì. Đúng là chuyện lạ. Mọi người cười ồ lên khi câu đầu tiên nó hỏi là chiếc xe cải tiến có bị mất không? Chẳng riêng gì bộ phận ra đa, cả đảo được một trận hoảng hồn. May mà chiếc vòi rồng đến đảo đã là điểm cuối, nếu không rất có thể Quang "cháy" và Mạnh đã bị nó mang theo ra đại dương rồi.

Sau đó là một cơn mưa lớn chưa từng thấy. Rầm rầm như ném từng cột nước lên những mái nhà, từng thân cây, những mái tôn oằn mình xuống tưởng như chỉ cần nặng thêm một chút là ụp xuống. Mọi cửa sổ, cửa chính đóng kín mít mà gió vẫn giật đùng đùng. Mưa đến hơn một tiếng, bỗng từ sở chỉ huy có điện thoại, trực ban đảo điện cho các bộ phận lệnh của chỉ huy đảo: mỗi bộ phận cử người canh trực tại bộ phận mình, còn lại tập trung tất cả lên đảo đi chống lụt cho kho đạn. Lập tức quân số được tập hợp choàng áo mưa tiến về nhà chỉ huy đảo. Các đường hào đã ngập nước, đầy òng õng như những con kênh nhỏ. Vài chú chuột bơi lóp ngóp dưới nước. Đoàn người tập trung tại kho đạn. Nước đã ngập vào trong đến năm mươi phân. Một bộ phận thay nhau tát nước ra nhưng đến lúc này thì dường như bất lực, cả trong cả ngoài kho đều đã ngập nước. Phương án sơ tán nhanh chóng được quyết định. Từng hàng người được bố trí xếp thành dây, lần lượt từng hòm đạn được chuyển ra, vác bì bõm, hì hục. Hơn một tiếng sau mới chuyển hết. Lúc này mưa đã dứt cơn, nhưng vẫn còn nặng hạt. Ai nấy mệt phờ. Có lệnh giải tán.

Sau trận bão, cây cối trên đảo rã ra, tã tượi, quặt quẹo nhìn đến tội. Nhất là những bụi bão táp, bị vày vò nhàu nhĩ như làm dưa. Những cây tra thì cành lá tả tơi xoã ra mỗi hướng một ít. Tra là loại cây chịu bão vào hàng vô địch ở đảo. Dù bão cỡ nào nó cũng chịu đựng được. Cành nhỏ nhưng dẻo dai, ít khi bị gãy. Lá to và dày, cuống dai, ít khi bị rụng hay chịu sự tấn công của gió muối. Sau mỗi trận bão, dường như chỉ có những cây tra là gần như không hề hấn gì. Quả thực, gió muối cũng phải nể sức chịu đựng của loài cây này. Bên cạnh đó là ba cây bàng vuông trước nhà chỉ huy đảo vô tình có tấm lá chắn vững chắc chính là ngôi nhà ba tầng che chắn nên chúng ít bị ảnh hưởng. Có lẽ cũng bởi lý do này mà chúng thoả sức vươn cao, không bị chặt ngọn hàng năm như những loài cây khác. Cả ba cây năm nay đã cao hơn tầng hai của ngôi nhà, đứng hiên ngang như chúa đảo. Thi thoảng từng chùm hoa nở bung trắng tinh khiết. Đặc biệt, chúng chỉ nở về đêm. Cánh lính trẻ vẫn gọi đó là hoa quỳnh đảo. Nhưng sau trận bão kinh hồn vừa rồi thì lũ tra cũng bị tả tơi, còn cây bàng vuông ngoài cùng đã bị chẻ mất một cành lớn thành ra cây như bị lệch. Cả ba cây lá bị quật dập nát. Nhưng bất chấp điều đó, sau cơn giông, cây bàng vuông chính giữa vẫn nở ra ba bông hoa trắng muốt.

Vào đúng cái ngày mà cây quỳnh đảo nở ra ba bông hoa trắng bất chấp bão giông ấy, trung đội trưởng Linh nhận được một bức điện. Bức điện mở màn cho những sự kiện u buồn trong mùa giông bão trên đảo nhỏ: Bố anh vừa ra đi nơi quê nhà.

Sau cơn giông trời sũng nước. Biển gầm gào trong cơn cuồng nộ, mặt nước xám ngoét như sôi lên. Những con sóng hung hãn goàm vào bờ đá khào khạo hệt những chiếc lưỡi quái vật toan ăn tươi nuốt sống dải đất nhỏ hẹp đang run lên trước bão giông. Linh ngồi như đóng đinh vào nóc lô cốt, trước biển đang ầm ầm sóng xô. Mắt anh đỏ ngầu. Cả thân hình như tạc lên nền trời vần vũ những đụn mây đen cuồng loạn mang những hình thù lạ. Trong đầu ung ung những câu hỏi "Tại sao? Tại sao?...". Trước mặt anh là biển, xa hút ngoài kia vẫn là biển, còn tít tắp phía chân trời kia, xa nữa theo hướng kia sẽ là quê hương anh. Nơi ấy giờ đây đang có những con người mong ngóng anh, kêu nhắc tên anh trong một nỗi đau của tình máu mủ ruột rà...

Giọng trạm trưởng Tiến nhẹ như gió thoảng, mưng mưng như người nghẹt mũi bảo mấy cậu lính trẻ: "Chúng bay căng cái vỏ chăn lên, cắt mấy chữ như lần trước ấy, rồi chuẩn bị bát hương..." Thằng Mạnh vừa đi trực về nghe thấy ngạc nhiên hỏi bô bô, sao phải làm bát hương? Quang "cháy" quát: "Im ngay cái mồm đi, sao thì rồi khắc biết". Nhận thấy không khí nghiêm trọng thằng Mạnh không hỏi nữa, lẳng lặng vào nhà cởi bộ quân phục rồi đi xuống bếp. Mọi người trong trung đội xúm xít căng phông, kê bàn. "Kính viếng hương hồn cụ...", hàng chữ cắt bằng giấy trắng dán trên nền chiếc vỏ chăn màu xanh căng ngay ngắn, bên dưới là bàn thờ vừa mới dựng, duy nhất một bát hương.

Đến giờ cơm trưa, Tùng "toác" hối Hoàn "đơ": "Chúng mày ra gọi trung đội trưởng về ăn cơm". "Anh ra mà gọi". Quang "cháy" từ trên nhà chạy xuống xua tay ra hiệu nói nhỏ thôi. Quang thì thào: "Bọn bay cứ ăn đi chứ anh ấy làm sao nuốt được mà gọi. Cứ kệ anh ấy, đừng hỏi han gì cả, hỏi bây giờ là điên lên đấy". Mâm cơm nguội ngắt, chả ai buồn ăn. Chiếc bàn làm bằng tấm ghi sân bay, trên bày một xoong cơm, một nồi quân dụng canh rau cải nhưng những cọng rau chỉ loáng thoáng, hai đĩa thịt hộp đã được cắt nhỏ và chế biến lại, tra thêm muối mắm cho mặn hơn và một chút gia vị. Vài chú ruồi vo ve lượn vòng. Mấy cậu lính hết đứng lên lại ngồi xuống, mặt ai nấy bí xị, nặng như chì.

Đã giữa trưa, trời yên một tý, những cơn bão đã thôi thét gào. Một chút ánh sáng đã ửng lên nên cũng bớt phần u ám. Quang nhẹ nhàng ra bờ biển, chỗ đằng sau đài ra đa, lẹ làng leo lên lô cốt.

- Trung đội trưởng ơi? Anh Linh ơi?

Linh vẫn ngồi im như không nghe thấy, mắt hướng ra biển, hướng về đất liền, phía ấy là quê hương anh. Giờ này ở nhà...

Quang thấy khó xử quá, thế này thì biết làm sao, Quang cứ đứng sau lưng trung đội trưởng tần ngần. Vừa lúc đó thì con Đen và con Vàng chạy từ đâu tới nhảy phốc từ nóc hầm khí tài sang lô cốt quấn lấy chân Quang rồi sà vào lòng trung đội trưởng rít lên ư ử. Linh gạt hai con chó ra, đứng bật dậy buông một câu cộc lốc: "Về". Nói xong anh quay người nhảy phốc xuống đất, lững thững bước.

Buổi đêm. Căn phòng nhỏ được chiếu sáng bằng bóng điện ba mươi lăm vôn đỏ quạch, thứ ánh sáng nhờ nhờ. Khói nhang nhẩn nha, vấn vít. Các bộ phận trên đảo lần lượt vào thắp hương. Chiếc bàn thờ chỉ có độc bát nhang, chẳng có gì khác. Đầu tiên là đảo trưởng, rồi anh em các bộ phận đến chia buồn, rồi anh em trong trạm, trong trung đội. Đến lượt Mạnh, nó rụt rè rút ba nén hương châm lửa cắm vào bát rồi chắp tay vái ba cái, nhìn động tác thật vụng về. Trung đội trưởng Linh đứng chắp tay đáp lễ bên góc trái. Cha anh năm nay đã hơn bảy mươi. Vùng quê Hà Tĩnh nghèo xơ xác đeo bám tuổi thơ đậm màu ký ức. Những củ khoai lang to và nhiều bột ăn phát nghẹn đóng bánh nơi cổ họng, những đụn cát mênh mông bỏng rát trưa hè, làm gió lào sém da... Làng biển nghèo và người ngư phủ có cái nhìn đăm đắm ra hướng biển với những nỗi niềm khao khát. "Con hãy lớn lên và trở thành một chàng trai dũng mãnh, hãy đi ra khơi xa trên những con tàu thật lớn nghe con". Cha vẫn nói khi anh còn nhỏ xíu. Giờ đây thì ông đã đi xa khi mà anh đang ở nơi cùng trời cuối đất của Tổ quốc.

Không biết tự bao giờ ở đảo đã có lệ, cứ ai có người thân mất thì sẽ tổ chức dựng bàn thờ để mọi người đến viếng. Cách đây một tháng mọi người đã đi viếng mẹ của Kiên ở phân đội ba. Mẹ Kiên mới hơn bốn mươi, bị ung thư. Khi Kiên nhận được tin thì lúc đó tính ra đã quá lễ bốn chín ngày của bà. Nhìn nó ngơ ngác ai cũng thấy se lòng. Làm sao mà tin được khi ngày ngày những chàng lính trẻ vẫn nô đùa, vẫn hồn nhiên với sóng nước, chiều chiều vẫn dẫn hai chú chó Đen và Vàng đi tắm ngoài cầu cảng, vẫn nghịch ngợm vùi mình xuống cát san hô bên mép nước giả làm Chử Đồng Tử, vẫn đuổi nhau cười giòn tan như sóng, vẫn hò hét lặn ngụp. Thế mà bây giờ lại phải chịu đau khổ nhường kia? Khuôn mặt lại nặng nề, u ám thế kia? Trông cứ thấy xót xa, không đành lòng làm sao ấy. Quê Kiên ở một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá. Bữa tết xong Kiên còn nhận được thư mẹ. Mẹ Kiên bảo rằng, con ơi hôm trong tết mẹ nghe bà con nói thấy con trên ti vi nhưng mà tiếc quá mẹ không được xem, thế là cả mấy hôm sau mẹ bỏ làm nương ở nhà xem ti vi suốt mà chẳng thấy con đâu, lâu quá rồi không được nhìn thấy con, mẹ nhớ con quá. Đúng là đợt trước tết năm ngoái có các phóng viên của Truyền hình Việt Nam ra đảo ghi hình làm chương trình thật. Hôm đó kíp phóng viên đã làm một phóng sự về phong trào tăng gia ở đảo xa có quay cảnh Kiên đang chăm sóc mấy luống rau cải. Khi phát sóng, người làng đã nhận ra anh, chỉ tội cho mẹ Kiên đến khi đi xa vẫn mang theo nỗi tiếc nuối vì không được nhìn thấy con mình. Hôm ấy nhìn Kiên sao mà tội nghiệp thế. Cả đảo đến thắp hương chia buồn, Kiên đứng như trời trồng, không khóc được, cũng chẳng biết vái đáp lễ là gì. Hôm nay thì đến lượt trung đội trưởng Linh. ốm đau, sinh tử là chuyện thường tình nhưng sao tránh khỏi những bùi ngùi, nhất là trong hoàn cảnh như thế này. Những đứa con thì khác nhau nhưng trước nỗi đau mất mẹ thì đều giống nhau cả thôi. Có điều những tin như thế đến vào lúc này thì nỗi buồn dường như tăng lên. Mây trời, biển đảo dường như đều toát lên một màu tang tóc phụ họa.

Nguyễn Xuân Thuỷ

Theo Tạp chí Nhà văn.

Nguồn:http://tonvinhvanhoadoc.vn/van-hoc-viet-nam/sang-tac/2967-tieu-thuyet-dau-tien-ve-truong-sa-qbien-xanh-mau-laq.html
Về Đầu Trang Go down
 
Tiếu thuyết đầu tiên về Trường Sa: "Biển xanh màu lá" - Nguyễn Xuân Thủy
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Tiền chi tiêu của lớp ( tiền ăn+tiền 200) và tiền thừa thiếu của mọi người
» A. Huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa gồm có thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn, và khu bảo tồn biển Nam Yết (đang đề nghị). Hiện đang có 21 đảo do quân đội nhân dân Việt Nam đóng giữ được Việt Nam thông báo (chưa kể các đảo chưa có qu
» tien chi tieu 200 nop cho tuan
» Cung chúc tân xuân
» Đồ án tốt nghiệp Đinh Viết Xuân gửi Quảng

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: Diễn đàn chính :: Tâm sự- nhắn nhủ-gửi trao-
Chuyển đến